Cách tăng giảm độ pH trong ao nuôi tôm thủy sản
Độ pH trong ao nuôi quyết định rất lớn đến chất lượng của tôm, chính vì vậy đây là yếu tố hàng đầu cần quan tâm khi nuôi tôm thủy sản. Người nuôi cần nắm vững kỹ cách tăng giảm độ pH để có những điều chỉnh hợp lý cho môi trường nước.
Table of Contents
ToggleĐộ pH là gì? Vai trò của pH trong ao nuôi tôm
Hiểu đơn giản thì độ pH là một chỉ số dùng để do tính Axit hoặc Bazơ của một chất. Khi kiểm tra độ pH trong ao nuôi tôm sẽ cho biết được ao nuôi mang tính kiềm hay không.
Các sinh vật đều cần có độ pH thích hợp trong môi trường sống để sinh trưởng và phát triển và tôm cũng không ngoại lệ. Độ pH thường rất được chú trọng trong các ao nuôi tôm bởi độ pH ảnh hưởng tới nhiều yếu tố lý, hóa, sinh học của môi trường ao nuôi và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, chất lượng và sản lượng tôm nuôi.
- Khi pH thấp: < 7,5 tôm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất, tôm bị mềm vỏ hoặc lột xác không hoàn toàn, làm tăng nồng độ H2S gây độc cho tôm.
- Khi pH quá cao: >8,5 tôm giảm ăn, làm tăng nồng độ NH3 gây ngộ độc cho tôm.
Hiện nay có thể đo độ pH trong ao nuôi tôm thông qua các thiết bị điện tử như bút đo, máy đo điện tử hoặc sử dụng các bộ test nhanh hoặc thủ công nhất là dùng quỳ tím.
Độ pH thích hợp cho tôm phát triển
Độ pH thích hợp cho sự phát triển của các sinh vật là không giống nhau và cũng có sự khác biệt ngay giữa các loài tôm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa hoc thì ngưỡng pH trong ao nuôi mà tôm có thể sinh trưởng được trong khoảng 7,5 – 8,5 và ngưỡng tốt nhất cho tôm phát triển nằm trong khoảng 7,5 – 8,3.
Tôm sẽ chỉ sinh trưởng tốt trong một môi trường sống có độ pH ổn định. Chính vì vậy việc giữ cho độ pH trong ao luôn trong ngưỡng thích hợp là việc mà bạn cần đặc biệt chú ý khi nuôi tôm. Độ pH trong ngày không nên biến động quá 0,5. Nếu pH biến động lớn có thể làm tôm bị sốc, yếu và bỏ ăn.
Độ pH sẽ có sự chênh lệch một chút vào các khoảng thời gian trong ngày. Thường pH thấp nhất vào buổi sáng sớm, tăng lên vào buổi trưa và giảm thấp vào buổi tối.
Các yếu tố ảnh hưởng đến độ pH trong môi trường nước
Những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến độ pH trong ao nuôi tôm mà bạn cần chú ý gồm:
- Chất đất: Đặc tính của loại đất trong ao sẽ làm cho độ pH trong ao khác nhau. Các loại đất có độ pH thấp như đất sét, đất đỏ, đất nâu sẽ làm cho nước có tính axit, khiến cho pH thấp. Vì các loại ao đất nuôi tôm hiện nay vẫn còn rất nhiều nên yếu tố đất vẫn rất quan trọng và cần được xử lý trước khi nuôi tôm.
- Hoạt động sống của thủy sinh vật: tảo và các vi sinh vật cũng tác động lên độ pH trong ao nuôi. Vào ban đêm, quá trình hô hấp của thủy sinh vật giải phóng ra nhiều CO2, CO2 phản ứng với nước tạo ra axit carbonic làm độ pH của nước giảm xuống. Ban ngày, quá trình quang hợp khiến cho các thủy sinh vật hấp thu CO2 làm cho khí CO2 trong nước giảm dần, làm pH tăng lên. Nếu tảo nhiều sẽ làm pH biến động lớn, độ pH rất cao, khoảng từ 8,8-9,1 vào buổi chiều. Nhưng khi tảo tàn sẽ làm giảm pH trong ao.
- Thời tiết và khí hậu: Thời tiết và khí hậu là những yếu tố ảnh hưởng đến độ pH trong ao và rất khó kiểm soát. Nước mưa là một trong những yếu tố có thể làm giảm độ pH trong ao.
- Ánh sáng và nhiệt độ: Ánh sáng ở cường độ lớn và nhiệt độ cao sẽ tạo ra phản ứng hóa học điện ly, phản ứng tách ngược nước H2O thành OH- và H+. Nồng độ H+ trong dung dịch tăng kéo theo độ pH cũng tăng lên.
Cách kiểm soát độ pH trong ao nuôi tôm ổn định
Khi đã biết được những yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ pH trong ao nuôi tôm, chúng ta có thể có những biện pháp kiểm soát độ pH phù hợp.
Biện pháp quan trọng nhất chính là chuẩn bị ao nuôi thích hợp trước mỗi mùa vụ.
- Xử lý đất: Những ao thuộc vùng phèn không nên phơi ao quá khô dưới ánh nắng mặt trời. Đất càng có pH thấp thì lượng vôi bón càng nhiều. pH>6 thì bón 300-600 kg/ha. pH>5 bón 1000 – 1500 kg/ha. Ngoài giải pháp bón vôi và phơi ao, làm tăng độ thông thoáng, khoáng hóa lớp bùn đáy ao, có thể bón thêm phân. Trước khi lấy nước vào ao nuôi, dùng phân chuồng bón đáy ao. Lượng phân chuồng dùng khoảng 25 – 30 kg/100 m2 đáy ao.
- Trang bị hệ thống nuôi tôm hiện đại: việc kiểm soát tốt pH chỉ đạt được nếu ao nuôi được đầu tư đầy đủ hệ thống quạt nước, giúp khuấy đảo và cung cấp đủ oxy.
- Có biện pháp cho các thay đổi môi trường kịp thời: người nuôi cần dự báo được các thay đổi bất thường của thời tiết để có biện pháp can thiệp trước khi sự cố xảy ra hoặc can thiệp kịp thời khi chúng mới nảy sinh. Trước khi có mưa lớn, nên rải vôi tôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 – 20 kg/m2 để tránh pH giảm thấp đột ngột.
Vì các loại thủy sinh vật có sức phát triển mạnh nên cần kiểm soát lượng tảo, cây cỏ mọc trong ao nuôi của mình để độ pH được ổn định.
Trong quá trình nuôi tôm, để đảm bảo độ pH trong ao nuôi tôm không bị biến động quá nhiều, nên sử dụng các chế phẩm sinh học giúp duy trì chất lượng nước.
Đo độ pH kiểm tra: nên tiến hành đo pH 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 14 giờ chiều.
Có thể sử dụng các biện pháp để tăng giảm độ pH trong ao nuôi tôm
Cách tăng độ pH trong ao nuôi tôm
Nếu độ pH trong ao nuôi tôm quá thấp, có thể sử dụng các biện pháp tăng độ pH sau đây:
Trong trường hợp pH trong ao giảm ở mức tương đối, chúng ta có thể làm tăng pH lên bằng cách tạt bột đá Cacbonat (CaCO3). Cách làm này có tác dụng tương đối chậm nên chỉ áp dụng trong trường hợp pH không quá thấp.
Trong trường hợp pH trong ao thấp xuống rõ rệt, chúng ta cần sử dụng vôi bột (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2) để cải thiện. Sử dụng vôi tôi với liều lượng 0,5 – 1kg/100m2 bón trong khoảng thời gian 8 – 20 giờ.
Trong trường hợp muốn tăng độ pH nhanh trong thời gian ngắn, sử dụng 20 – 30kg CaO trên 1000m3.
Lưu ý: quá trình bón vôi nên thực hiện vào buổi chiều, khi thời tiết mát mẻ hoặc có mưa để đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, nên áp dụng thêm một số cách sau để đạt được hiệu quả cao hơn:
- Tăng cường quạt nước, máy sục khí tạo thêm oxy hòa tan trong nước.
- Sử dụng chế phẩm sinh học gây màu và ổn định môi trường nước.
- Dùng EDTA 2kg/1.000 m3 nếu ao bị nhiễm phèn.
- Dùng Yucca 1 lít/2.000 m3 hạn chế khí độc H2S
- Sử dụng các hạt trao đổi ion
Cách giảm độ pH trong ao nuôi tôm
Nếu độ pH trong ao nuôi tôm quá cao, có thể sử dụng các biện pháp giảm độ pH sau đây:
Trong trường hợp trời nắng, làm cho độ pH trong nước tăng cao (> 8,5) thì có thể dùng mật rỉ đường theo tỉ lệ 0,3kg/1000m2 hoặc cách thông thường là ủ chế phẩm sinh học với mật rỉ đường 24 – 48 tiếng để tạt xuống ao, nhằm phát triển hệ vi sinh vật phân hủy, tạo ra CO2 giúp làm giảm pH.
Trong trường hợp nắng gắt, độ pH trong nước >9 thì nên cân nhắc sử dụng formol theo tỉ lệ 3 – 4ml/m3 để phun xuống ao.
Trong trường hợp mật độ tảo quá cao, người nuôi nên chú ý xử lý diệt tảo hoặc thay nước trong ao. Có thể kết hợp dùng men vi sinh và mật rỉ đường để làm giảm và ổn định mật độ tảo.
Ngoài ra, nên sử dụng thêm các chế phẩm sinh học làm tăng lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi tôm.
Ngoài pH, bạn cũng cần chú ý đến các yếu tố khác cũng có ảnh hưởng lớn đến môi trường nước trong ao nuôi tôm là:
- NH3 trong ao nuôi tôm
- Oxy trong ao nuôi tôm
- Kiềm trong ao nuôi tôm
- Tảo trong ao nuôi tôm
- Phèn trong ao nuôi tôm
- H2S trong ao nuôi tôm
- Canxi trong ao nuôi tôm